google-site-verification: google4e0d76ef88eb900f.html

Vật tư xây dựng tăng giá, lo giá nhà ‘nhấp nhỏm’ tăng theo

Vật tư xây dựng tăng giá, lo giá nhà ‘nhấp nhỏm’ tăng theo
Ngày đăng: 04/07/2025 04:34 PM

    Vật tư xây dựng tăng giá, lo giá nhà ‘nhấp nhỏm’ tăng theo

    Theo Kinh tế Sài Gòn Online

    (KTSG Online) – Giá vật liệu xây dựng tăng liên tục khiến không ít nhà thầu phải tính toán lại chi phí thi công, tối ưu các nguồn lực để giữ đơn giá thi công ở mức khách hàng chấp nhận được.

    Giá vật liệu xây dựng tăng kéo giá xây nhà tăng theo

    Nhiều doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam phản ánh giá vật liệu xây dựng biến động mạnh thời gian gần đây gây ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí và tiến độ thi công. Một số vật liệu tăng giá đáng kể như gạch xây tăng từ 1.100 lên 1.900 đồng/viên, xi măng PC30 tăng 300.000 đồng/tấn, cát đen tăng từ 190.000 lên 270.000 đồng/m³, thép tròn tăng 400.000 đồng/tấn...

    Từ giữa năm 2024 đến nay, giá nhiều loại vật liệu đầu vào đã tăng trên 15%, cá biệt có loại tăng đến 30 -50%. Tình trạng tăng giá đột biến, thiếu hụt nguồn cung khiến nhiều công trình bị đình trệ, gây khó khăn cho các nhà thầu. Nguyên nhân được cho là do mất cân đối cung cầu, chi phí khai thác tăng và chuỗi cung ứng vật liệu còn yếu.

    Giá vật liệu xây dựng biến động mạnh gây khó khăn cho nhà thầu trong việc tiếp cận và sử dụng vật tư đúng tiến độ. Đồng thời, việc thanh toán theo hợp đồng cố định hoặc chậm điều chỉnh đơn giá khiến dòng tiền doanh nghiệp bị ảnh hưởng, trong khi thông báo giá không kịp cập nhật theo biến động thị trường.

    Chia sẻ với KTSG Online, ông Nguyễn Quách Cương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Thành Nam Group, nói giá nhiều loại vật liệu xây dựng như cát, đá, xi măng, thép... tăng 10-30% từ giữa năm 2024 khiến chi phí đầu tư các dự án đội lên đáng kể. Chủ đầu tư buộc phải điều chỉnh dự toán, vay thêm vốn, tăng giá bán, trong khi nhà thầu đối mặt với nguy cơ thua lỗ nặng, đặc biệt nếu đã ký hợp đồng trọn gói, cố định giá.

    Hoạt động xây dựng bị ảnh hưởng khi vật tư tăng giá nhiều tháng nay. Ảnh: T.L

    Giá vật liệu tăng còn làm gián đoạn nguồn cung, dẫn đến chậm tiến độ thi công, đình trệ bàn giao, phát sinh phạt hợp đồng. Với các hợp đồng không có điều khoản trượt giá sẽ dễ nảy sinh tranh chấp, yêu cầu điều chỉnh đơn giá, ảnh hưởng quan hệ giữa các bên. Đối với đầu tư công, ngân sách cố định không theo kịp biến động thị trường, khiến nhiều dự án hạ tầng bị đình trệ. Giá bất động sản vì thế cũng tăng theo, thu hẹp cơ hội sở hữu nhà ở với người thu nhập thấp.

    Ông Cương chỉ ra chi phí vật liệu xây dựng chiếm tới 60-70% tổng chi phí một dự án bất động sản, nên khi giá vật liệu tăng mạnh, giá nhà ở buộc phải điều chỉnh theo. Nhiều chủ đầu tư ước tính giá có thể tăng thêm 8-20%, thậm chí cao hơn tùy loại hình và cơ cấu chi phí. Tại các đô thị đang phát triển như Tp Hồ Chí Minh,Bình Dương, Long An, giá đã tăng 10-25% so với cùng kỳ năm trước,

    Chi phí đầu vào tăng cũng khiến doanh nghiệp e ngại triển khai dự án mới, nhiều công trình phải điều chỉnh thiết kế, giãn tiến độ hoặc tạm dừng, ông Cương nói thêm.

    Ông Tô Thành Tâm, Tổng Giám đốc, công ty Thiết kế Xây dựng Tâm Nguyên Phát đồng tình từ đầu năm đến nay, giá vật liệu xây dựng tại nhiều khu vực đã tăng trung bình 15-25%, kéo theo chi phí đầu tư dự án tăng mạnh. Với các dự án làm nhà ở, giá sản phẩm xây dựng buộc phải điều chỉnh, tăng khoảng 8-12% tùy phân khúc và vị trí.

    Ngoài ra, ông bộc bạch với các hợp đồng không quy định rõ cơ chế điều chỉnh theo biến động giá vật liệu, nhiều nhà thầu buộc phải thi công theo đơn giá cũ dù đối mặt nguy cơ lỗ nặng. Thực tế, phần lớn hợp đồng xây dựng, đặc biệt là với khu vực công, đều áp dụng đơn giá cố định trong một thời gian dài. Khi giá vật tư tăng đột biến, doanh nghiệp phải mua nguyên liệu vượt xa dự toán ban đầu, khiến lợi nhuận bị bào mòn.

    “Việc đàm phán điều chỉnh giá với chủ đầu tư không dễ dàng, nhất là khi không có cơ sở pháp lý rõ ràng. Trong nhiều trường hợp, các bên không đạt được đồng thuận, dẫn đến tranh chấp hợp đồng, ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác và uy tín nhà thầu”, ông bày tỏ.

    Cân đo bài toán mới cho chi phí xây dựng

    Đại diện doanh nghiệp bất động sản Bcons nói trong bối cảnh giá vật liệu xây dựng tăng cao từ đầu năm đến nay tạo áp lực lớn lên chi phí đầu tư và tiến độ dự án, đặc biệt với phân khúc căn hộ vừa túi tiền. Ghi nhận tại một số dự án của Bcons trong quí 1-2025, chi phí xây dựng đã tăng 8-12% so với cùng kỳ năm trước.

    Tuy nhiên, thay vì đẩy toàn bộ chi phí vào giá bán, doanh nghiệp cho biết đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát giá thành chẳng hạn tối ưu thiết kế, kiểm soát chuỗi cung ứng thông qua mạng lưới đối tác chiến lược, đồng thời tự chủ toàn bộ chuỗi giá trị từ thiết kế, thi công đến vận hành, giúp giảm chi phí trung gian, tận dụng lại các trang bị xây dựng đảm bảo an toàn lao động, tăng qũy dự phòng dự án.

    Được biết, dự án thứ 15 Bình An - Đông Tây mới khởi công dự kiến cung cấp cho thị trường khoảng 1.800 căn hộ với phân khúc nhà ở vừa túi tiền. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp có mức thanh khoản 2.500 căn trên tổng số 4.000 căn ra thị trường.

    Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, nhà sáng lập công ty CPDV Bất động sản Sen Vàng, gợi ý để thay thế nguồn cung cát thiếu hụt, cát nhân tạo được xem là giải pháp khả thi với giá thành thấp hơn cát tự nhiên, đã được ứng dụng tại nhiều công trình Việt Nam như thủy điện, cao tốc, khu công nghiệp ở Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, với giá chỉ khoảng 125.000 đồng/m³, thấp hơn đáng kể so với cát tự nhiên. Tuy nhiên, việc ứng dụng vẫn còn hạn chế do tâm lý e ngại chất lượng, thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất và chính sách hỗ trợ cụ thể.

    Cát nhân tạo là vật liệu nên được khuyến khích sử dụng rộng rãi nhờ tính ổn định, dễ kiểm soát chất lượng và thân thiện môi trường. So với cát tự nhiên, loại vật liệu này không gây xói lở sông, không ảnh hưởng hệ sinh thái nước ngọt và giúp giảm áp lực khai thác tài nguyên.

    BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
    Zalo
    Hotline